A. ĐÀO TẠO THẠC SỸ CHUYÊN NGÀNH: KỸ THUẬT CƠ ĐIỆN TỬ (MÃ SỐ: 60520114)
I. Mục tiêu của chương trình
Chương trình cao học ngành Cơ điện tử nhằm đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ thạc sĩ thuộc chuyên ngành Cơ điện tử. Thạc sỹ Cơ điện tử là cán bộ có kỹ năng nghề nghiệp tốt, có trình độ học vấn được nâng cao, có năng lực nghiên cứu thực sự, có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề khoa học một cách độc lập, và có khả năng phát triển học thuật sau này. Các mục tiêu cụ thể của chương trình như sau:
1. Về kiến thức
– Đào tạo nâng cao, chuyên sâu về cơ học, thiết kế và công nghệ cơ khí hiện đại;
– Mở rộng các kiến thức về phân tích, mô hình hóa và điều khiển các hệ Cơ điện tử (mô hình toán và điều khiển động lực các hệ Cơ điện tử);
– Củng cố và nâng cao kiến thức về điều khiển tự động, điện – điện tử, tin học ứng dụng phục vụ thiết kế, chế tạo các bộ điều khiển trong các sản phẩm Cơ điện tử;
– Cập nhật các kiến thức về kết cấu, lập trình, vận hành, bảo trì các thiết bị Cơ điện tử trong tự động hoá sản xuất (máy công cụ điều khiển số CNC, robot, hệ thống sản xuất linh hoạt – FMS, hệ thống sản xuất tích hợp nhờ máy tính – CIM, …).
2. Về năng lực
– Huấn luyện sử dụng các công cụ tích hợp máy tính (CAD/CAM/CAE) trong thiết kế, mô hình hoá, mô phỏng và điều khiển các hệ cơ điện tử;
– Rèn luyện kỹ năng phân tích và tổ hợp hệ thống trong thiết kế Cơ điện tử;
– Rèn luyện nhãn quan, năng lực tư¬ duy hệ thống và kỹ năng thực hành trong thiết kế, lựa chọn, khai thác các thiết bị Cơ điện tử.
3. Về kỹ năng
Học viên sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Cơ điện tử cần có kiến thức tổng hợp và kỹ năng phân tích, tổ hợp hệ thống, có thể đảm nhiệm các vị trí công tác, yêu cầu kiến thức và kỹ năng về Cơ điện tử, nh¬ư:
– Chủ trì nhóm thiết kế, khai thác các hệ Cơ điện tử tại các phòng thiết kế, phòng trang bị,… của các viện nghiên cứu, nhà máy,…
– Phụ trách các trạm sửa chữa vũ khí, xe, trang bị quân sự,… thế hệ mới (nếu ngư¬ời học đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật phù hợp);
– Phụ trách công nghệ và điều hành các hệ thống sản xuất hiện đại (nếu đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ chế tạo máy hoặc ngành kỹ thuật phù hợp);
– Giảng dạy bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề;
– Quản lý các dự án đầu tư¬, khoa học công nghệ có cần sự hiểu biết chuyên ngành Cơ điện tử.
4. Về nghiên cứu
– Có năng lực nghiên cứu thực sự, có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề khoa học một cách độc lập, có khả năng phát triển học thuật sau này.
– Có năng lực làm việc nhóm và chủ trì nhóm nghiên cứu về Cơ điện tử tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sản xuất.
5. Thời gian đào tạo: 1,5 năm (3 học kỳ)
6. Tên văn bằng
– Tên tiếng Việt: Thạc sỹ kỹ thuật Cơ điện tử
– Tên tiếng Anh: Master Engineering of Mechatronics
II. Yêu cầu đối với người dự tuyển
1. Về văn bằng tốt nghiệp của người dự tuyển
a. Những văn bằng tốt nghiệp đại học không phải học bổ sung kiến thức trước khi thi tuyển:
– Kỹ sư Cơ điện tử.
b. Những văn bằng tốt nghiệp đại học phải học bổ sung kiến thức trước khi thi tuyển:
– Kỹ sư cơ khí không thuộc chuyên ngành Cơ điện tử.
– Kỹ sư, cử nhân điện, điện tử, tự động hoá hoặc tương đương.
c. Danh mục các học phần bổ sung kiến thức cho các đối tượng có văn bằng ở mục b:
– Cho kỹ sư cơ khí không thuộc chuyên ngành Cơ điện tử
(1) Kỹ thuật mạch điện tử
(2) Cấu kiện điện tử
– Cho kỹ sư, cử nhân điện, điện tử, tự động hoá,…
(1) Cơ lý thuyết
(2) Sức bền vật liệu
2. Về thâm niên công tác
Theo qui định chung của Học viện KTQS.
3. Môn thi tuyển
Theo qui định chung của Học viện KTQS đối với khối ngành Cơ.
III. Điều kiện tốt nghiệp
1. Hoàn thành chương trình đào tạo với điểm các học phần (chuyên đề) đạt từ 5 (theo thang điểm 10) trở lên trong thời gian quy định.
2. Bảo vệ luận văn đạt điểm từ 5/10 trở lên.
3. Đạt được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ theo quy định tại Điều 28 Khoản 1 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28/02/2011 của Bộ GD-ĐT.
4. Chấp hành đúng các quy chế, qui định do Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng và Học viện KTQS đã ban hành.
B. ĐÀO TẠO ĐỘ TIẾN SỸ CHUYÊN NGÀNH CƠ ĐIỆN TỬ (MÃ SỐ: 60 52 04)
I. Mục tiêu của chương trình
Chương trình đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Cơ điện tử nhằm mục tiêu đào tạo cho Quân đội, Nhà nước các cán bộ đạt trình độ tiến sỹ kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực Cơ điện tử. TS cơ điện tử là trí thức có phẩm chất đạo đức trong sáng; có năng lực học thuật sâu sắc; có khả năng tổng quan, khái quát hóa về sự phát triển và các thành tự khoa học thời sự chuyên ngành; nhận diện và hoạch định được phương hướng hoạt động chuyên môn cho cá nhân và cho tổ chức; có khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề khoa học, kỹ thuật và công nghệ một cách độc lập, với phương pháp luận khoa học; không ngừng đam mê sáng tạo, đóng góp các khám phá mới cho sự phát triển học thuật của chuyên ngành nói riêng và của KHCN nói chung. Các mục tiêu cụ thể như sau:
1. Về kiến thức
– Có kiến thức nền tảng rộng liên ngành về Cơ học, Kỹ thuật cơ khí – Tự động hóa, Điều khiển học, Kỹ thuật lập trình tính toán, …
– Chuyên sâu về:
Tùy thuộc vào hướng nghiên cứu của Luận án, TS cơ điện tử có thể chuyên sâu về một và/hoặc một vài các hướng như:
(i) Động lực học hệ nhiều vật với các đối tượng cơ hệ chuỗi hở (tay máy), chuỗi kín (Robot bánh), chuỗi dư dẫn động, cơ cấu song song, hệ phi hô lô nôm,…;
(ii) Điều khiển hệ cơ điện tử dựa trên mô hình động lực (dynamics control), dựa trên mô hình vật lý (physical model – based control), điều khiển thích nghi, tối ưu, bền vững,… với các đối tượng cơ điện tử điển hình: Máy CNC, Robot, …;
(iii) Tối ưu cấu trúc, nguyên lý, kết cấu, điều khiển của các cơ cấu cơ điện tử (Robot, máy CNC, các sản phẩm CĐT khác, …) ;
(iv) Định vị và dẫn đường Robot di động, tri thức, xử lý ảnh, các thuật toán AI, … trong KT Cơ điện tử;
(v) Sáng tạo các sản phẩm cơ điện tử mới;
(vi) Phát triển, cải tiến, hoán cải, hoàn thiện, khai thác có hiệu quả các hệ thống sản xuất tự động hóa, giải quyết các vấn đề xuất hiện trong thực tế sản xuất.
2. Về năng lực
– Có khả năng làm việc độc lập tốt;
– Có khả năng tổ chức và lãnh đạo nhóm làm việc;
– Có khả năng viết báo cho tạp chí trong nước và quốc tế, cho hội thảo, hội nghị;
– Có khả năng viết tài liệu tham khảo, giáo trình phục vụ đào tạo;
– Có khả năng giảng dạy bậc ĐH và SĐH, hướng dẫn đồ án tốt nghiệp, hướng dẫn LV ThS và Luận án TS;
3. Về kỹ năng
– Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, Anh, …) trong các hoạt động học thuật: đọc tài liệu, viết báo, trình bày báo cáo, dự hội thảo, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp trong và nước ngoài, …;
– Kỹ năng tìm kiếm thu thập tài liệu, số liệu trong và ngoài nước phục vụ công tác chuyên môn;
– Kỹ năng cập nhật kiến thức, tiến bộ KHCN, các thành tựu nghiên cứu trong và ngoài nước theo hướng chuyên môn hẹp mà cá nhân theo đuổi;
– Kỹ năng sử dụng các công cụ phục vụ chuyên môn.
4. Về nghiên cứu
– Nắm được diễn tiến thời sự của các hoạt động sáng tạo khoa học, ứng dụng trong phạm vi chuyên ngành;
– Phát hiện được các vấn đề nghiên cứu cấp thiết;
– Độc lập hoặc tổ chức được nhóm làm việc để giải quyết được các vấn đề nghiên cứu, đưa ra được các kết quả nghiên cứu mới, có khám phá KH, có đóng góp cho sự phát triển học thuật với phương pháp luận phù hợp.
5. Tên văn bằng
– Tên tiếng Việt: Tiến sỹ kỹ thuật (chuyên ngành cơ điện tử)
– Tên tiếng Anh: Doctor of Engineering (in Mechatronics)
II. Yêu cầu đối với người dự tuyển
1. Về văn bằng tốt nghiệp của người dự tuyển nghiên cứu sinh: (Chú ý :Cần ghi rõ điểm trung bình chung học tập toàn khóa ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ để được dự tuyển vào các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ)
1.1. Những văn bằng tốt nghiệp đại học (hệ chính quy loại khá trở lên):
– Cơ điện tử
– Cơ khí
Nhìn chung các KS tốt nghiệp gốc ngành Cơ đều có thể dự tuyển nghiên cứu sinh Cơ điện tử.
1.2. Những văn bằng tốt nghiệp thạc sỹ:
– Cơ điện tử
– Chế tạo máy
2. Về thâm niên công tác:
Không có yêu cầu về thâm niên công tác
III. Điều kiện được đề nghị bảo vệ luận án tiến sỹ
– Hoàn thành chương trình đào tạo với điểm các học phần (chuyên đề) đạt từ 5 (theo thang điểm 10) trở lên trong thời gian quy định.
– Hoàn thành bài Tiểu luận tổng quan về tình hình nghiên cứu được Hội đồng Khoa học Đào tạo của Bộ môn chủ quản thông qua trong thời gian quy định.
– Trước khi bảo vệ Luận án tiến sỹ cấp trường, nghiên cứu sinh phải đạt được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ theo quy định tại Điều 22 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ GD-ĐT.
– Chấp hành đúng các quy chế, qui định do Bộ GD – ĐT, Bộ Quốc phòng và Học viện KTQS đã ban hành.
(Nguồn: Bộ môn CĐT)